• Trang chủ
  • TIN TỨC Y TẾ
  • Trẻ mắc tay chân miệng chủ yếu do nuốt phải virus nhưng phòng bệnh không hề khó
3040 lượt xem

Trẻ mắc tay chân miệng chủ yếu do nuốt phải virus nhưng phòng bệnh không hề khó

Các tỉnh, thành phố phía Bắc bệnh TCM xuất hiện rải rác. Nhiều trường hợp có biến chứng và có thể có cả tử vong là nguy cơ hiện hữu. Tăng cường hiểu biết đúng về bệnh TCM để có ứng phó thích hợp ở cả khía cạnh từ cá nhân, đến hộ gia đình, cơ sở y tế và cộng đồng là cách tốt nhất để kiểm soát  dịch bệnh.

Tác nhân gây bệnh TCM là virus và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu

Bệnh TCM do các chủng virus thuộc họ virus đường ruột (gọi chung là Enterovirus) gây ra. 2 nhóm tác nhân thường gặp là  Coxsackie A16 và Enterovirus 71 (EV71). Biểu hiện lâm sàng của bệnh TCM giống nhau bất kể chủng virus gây bệnh nào. Tuy nhiên, bệnh nhân nhiễm EV71 có nhiều khả năng dẫn đến các biến chứng hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong như biến chứng viêm màng não, viêm não do virus,  hoặc tổn thương cơ tim. Điều đáng lưu ý là hiện nay vẫn chưa có thuốc tiêu diệt được tác nhân gây bệnh, nói cách khác là chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy thái độ tích cực nhất đối với bệnh TCM là dự phòng không để mắc bệnh.

Bệnh TCM dễ lây từ người sang người. Trẻ em mắc bệnh chủ yếu do nuốt phải virus gây bệnh

Virus gây bệnh TCM có thể phát tán từ cơ thể người bệnh ra môi trường qua phân, dịch đường tiêu hóa, nước bọt và mụn nước. Đây là nhóm virus có sức sống bền bỉ. Nó có khả năng tồn tại từ nhiệt độ lạnh đến rất cao: Trong 30 phút virus mới bị bất hoạt ở nhiệt độ 560 độ C; Ở nhiệt độ lạnh – 40 độ C, virus có thể tồn tại đến 3 tuần ngoài môi trường.

Các bề mặt trong môi trường sinh hoạt chung mà có người bệnh thường là những nơi chứa virus: như dụng cụ ăn uống, mặt bàn, ghế, giường, đồ chơi chung… Trẻ em tiếp xúc với mầm bệnh từ môi trường chủ yếu qua bàn tay, rồi đưa lên miệng và nuốt phải virus. Chuyên môn gọi là lây truyền qua “tiếp xúc”. TCM là bệnh rất dễ lây lan.

Phát hiện sớm và theo dõi biến chứng của bệnh TCM

Phát hiện sớm bệnh TCM  ở trẻ là một trong những điều kiện quan trọng tác động đến quá trình điều trị, theo dõi diễn biến, hạn chế nguy cơ biến chứng và tử vong. Hầu hết trẻ mắc bệnh TCM nếu được phát hiện sớm và theo dõi chặt chẽ sẽ có quá trình điều trị nhẹ nhàng, dự phòng được các biến chứng và hạn chế được nguy cơ tử vong.

Sau khi nuốt phải virus gây bệnh và trải qua thời gian ủ bệnh từ 3-7 ngày, người bệnh bắt đầu xuất hiện các triệu chứng với biểu hiện đặc trưng là phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông; ban tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm; loét miệng là biểu hiện rất thường gặp ở trẻ nhỏ khi mắc TCM; vị trị loét thường được phát hiện nhiều nhất là vùng hầu họng (gần lưỡi gà), niêm mạc má, môi hoặc lưỡi, số lượng từ 1 đến vài mụn loét trong miệng, kích cỡ khoảng 2 – 3mm; loét miệng khiến trẻ đau rát khi ăn,  bỏ ăn, bỏ bí và tăng tiết nước bọt.

Hầu hết trẻ chỉ sốt nhẹ,  nhiệt độ thường từ 37,5 – 38°C. Khi trẻ bị sốt cao trên 39°C liên tục từ 2 ngày trở lên là một trong những dấu hiệu gợi ý trẻ bị TCM có thể có biến chứng  nghiêm trọng, cần phải nhập viện để theo dõi điều trị.

Khi phát hiện trẻ có những biểu hiện sớm, nghi ngờ mắc TCM như trên, cha mẹ, người chăm sóc cần đưa trẻ đến khám sớm tại các cơ sở y tế để được hướng dẫn chăm sóc, điều trị, theo dõi và dự phòng lây lan bệnh.

Khi trẻ mắc TCM cần lưu ý theo dõi một số dấu hiệu sau để nhận dạng tình trạng bệnh nặng và biến chứng: sốt cao liên tục từ 39°C trở lên, đáp ứng với thuốc hạ sốt; giật mình chới với, hốt hoảng, thất thần; run chi (thấy rõ khi đưa đồ chơi cho trẻ cầm); yếu chi; giật mình; trẻ đi đứng loạng choạng; trẻ đảo mắt bất thường; nôn nhiều; quấy khóc, dỗ không nín; co giật; thở mệt…

Nhận dạng sớm được tình trạng bệnh nặng của trẻ mắc TCM để kịp thời điều trị, chăm sóc, can thiệp là cách tốt nhất hạn chế các biến chứng và nguy cơ tử vong của trẻ bệnh.

Phân biệt TCM với một số bệnh có biểu hiện tương tự

Do có triệu chứng tương tự, bệnh TCM có thể bị bỏ sót hoặc nhầm lẫn với các bệnh khác:

Viêm loét miệng: thường là các vết loét sâu, nhiều dịch tiết và hay tái phát.

Một số  bệnh có phát ban, phỏng nước: sốt phát ban (ban đỏ, xen kẽ ít dạng sẩn, thường kèm theo hạch sau tai); dị ứng (ban đỏ đa dạng, không có phỏng nước); viêm da mủ (tổn thương đỏ, đau, có mủ); thuỷ đậu (phỏng nước rải rác toàn thân, nhiều lứa tuổi).

Chủ động phòng bệnh là giải pháp ứng phó tích cực đối với bệnh TCM

Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ động dự phòng chính là giải pháp ứng phó tích  cực đối với bệnh TCM.

Phòng bệnh cá nhân: mỗi cá nhân hình thành thói quen và văn hoá vệ sinh tay, huấn luyện cho trẻ thói quen vệ sinh tay đúng bằng xà phòng; đặc biệt là vệ sinh tay sau khi thay tã lót, khi có tiếp xúc với phân, nước bọt.  Không xả, làm văng bắn nước bọt, phân ra ngoài môi trường.

Phòng bệnh trong gia đình và cộng đồng: xây dựng văn hoá vệ sinh tay trong gia đình, lớp học, nhà trường; đặc biệt với người trực tiếp chăm sóc trẻ… Lau rửa, vệ sinh đồ chơi, dụng cụ sau khi sử dụng (khuyến khích sử dụng hoá chất khử khuẩn). Lau vệ sinh sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn. Sử dụng nguồn nước sạch. Khi có trẻ nghi ngờ mắc TCM không cho trẻ đến nhà trẻ, trường học, nơi công cộng; quản lý trẻ tại nhà trong 10-14 ngày, tuân thủ vệ sinh tay, vệ sinh bề mặt, vệ sinh đồ chơi, dụng cụ ăn uống; không cho trẻ bệnh tiếp xúc với trẻ sống cùng; tắm rửa sạch sẽ cho trẻ bằng xà phòng và nước sạch; dinh dưỡng cho trẻ dầy đủ; theo dõi các dấu hiệu chỉ điểm biến chứng sớm; đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn theo dõi, điều trị và phòng bệnh.

https://suckhoedoisong.vn/hieu-biet-dung-de-xu-tri-benh-tay-chan-mieng-n189230.html