• Trang chủ
  • TIN TỨC
  • Nhân một trường hợp Xuất huyết tiêu hóa cao do loét dạ dày- hành tá tràng điều trị tại Khoa Nội- BVĐK huyện Hoài Đức.
1658 lượt xem

Nhân một trường hợp Xuất huyết tiêu hóa cao do loét dạ dày- hành tá tràng điều trị tại Khoa Nội- BVĐK huyện Hoài Đức.

Vừa qua, Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức đã tiếp nhận, điều trị thành công 1 trường hợp bệnh nhân bị Xuất huyết tiêu hoá cao do loét dạ dày- hành tá tràng, bằng phương pháp nội soi tiêu hoá can thiệp.

Bệnh nhân đang được chăm sóc và điều trị tại khoa Nội- Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức

Ngày 29/8/2023, bệnh nhân nữ 75 tuổi nhập viện vào khoa Nội trong tình trạng đại tiện phân đen nát nhiều lần, kèm theo đau tức thượng vị. Theo người nhà bệnh nhân chia sẻ, bệnh nhân có dùng thuốc điều trị xương khớp nhiều tháng nay (không rõ loại). Xét nghiệm máu có tình trạng thiếu máu. Bệnh nhân đã được thực hiện nội soi thực quản- dạ dày- tá tràng ống mềm. Kết quả nội soi phát hiện bệnh nhân có 1 ổ loét ở hang vị dạ dày và ổ loét lớn ở mặt trước hành tá tràng. Vị trí ổ loét hang vị dạ dày đã cầm máu (Forrest III). Còn ổ loét ở hành tá tràng kích thước lớn, mạch máu thấy rõ (FIB). Test HP âm tính.

Ths Bs Nguyễn Phương Mai cùng với kíp nội soi can thiệp- Đơn nguyên Thăm dò chức năng Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức đã tiến hành nội soi can thiệp tiêm cầm máu và kẹp clip vị trí chảy máu. Quá trình thủ thuật diễn ra an toàn, thuận lợi. Sau 2 ngày can thiệp, bệnh nhân đã đi ngoài phân có ánh vàng, đỡ đau bụng. Hiện tại, bệnh nhân đã ổn định, được ra viện, kê đơn thuốc và hướng dẫn giáo dục sức khỏe tại nhà.

  • Xuất huyết tiêu hoá (XHTH) cao bao gồm các trường hợp chảy máu từ đường tiêu hoá tính từ góc Treitz trở lên tới thực quản. XHTH cao là một cấp cứu nội ngoại khoa phổ biến trên toàn thế giới với tỷ lệ mắc cao mỗi năm. XHTH cao được chia thành hai nhóm lớn: XHTH cao do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản và XHTH cao không do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản.

XHTH cao không do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản bao gồm: loét dạ dày- tá tràng, viêm thực quản, hội chứng Mallory weiss, bệnh lý ác tính đường tiêu hoá….

  • Triệu chứng của XHTH cao.
  • Nôn ra máu: máu tươi, máu cục lẫn thức ăn, nôn chất dịch màu đen hoặc dịch nhầy loãng màu hồng.
  • Đi ngoài phân đen như bã cà phê, phân có mùi khắm.

Các dấu hiệu mất máu cấp nặng:

  • Ngất
  • Da nhợt
  • Ra mồ hôi
  • Nhịp tim nhanh
  • Huyết áp thấp
  • Điều trị xuất huyết tiêu hóa
  • Trong điều trị xuất huyết tiêu hóa chủ yếu tuân theo nguyên tắc bảo vệ đường hô hấp, bù dịch, truyền máu (trong trường hợp mất máu nhiều); kết hợp dùng thuốc. Một số trường hợp cần nội soi hoặc nút mạch.
  1. Bảo vệ đường hô hấp
  2. Bù dịch và truyền máu
  • Người bệnh bị hạ huyết áp hoặc xuất huyết tiêu hóa nhiều cần được bù dịch thông qua đường tĩnh mạch càng sớm càng tốt.
  • Ngoài ra, đối với các trường hợp thiếu máu nghiêm trọng, người bệnh cần được truyền máu.. Tuy nhiên, đối với các trường hợp mắc bệnh mạch vành, suy tim mãn, người cao tuổi, trẻ em, việc truyền máu nên được xem xét cẩn trọng để tránh các biến chứng.
  1. Thuốc
  • Đối với xuất huyết tiêu hóa trên, người bệnh được dùng thuốc ức chế bơm proton đường tĩnh mạch (PPI) để điều trị.
  • Đối với các trường hợp xuất huyết tiêu hóa do giãn tĩnh mạch trong bệnh lý xơ gan, người bệnh nên được dùng thuốc co mạch tạng. .
  1. Cầm máu
  • Việc điều trị phụ thuộc vào vị trí bị chảy máu và cần được tiến hành từ sớm để giảm thiểu nguy cơ tử vong, đặc biệt ở người cao tuổi.

Các phương pháp cầm máu thường bao gồm:

  • Loét dạ dày, đang chảy máu hoặc chảy máu tái phát: Điều trị bằng nội soi cầm máu tại chỗ bằng nhiều phương tiện khác nhau như dùng nhiệt điện, hoá chất gây tắc mạch, co mạch, kẹp clips.
  • Trường hợp khó khăn hơn cần cầm máu bằng phương pháp nút mạch hoặc phẫu thuật.
  • Xuất huyết tiêu hóa do giãn vỡ tĩnh mạch: Điều trị bằng thắt vòng, tiêm xơ hoặc phẫu thuật nối thông 2 hệ tĩnh mạch cửa chủ (TIPS).
  • Xuất huyết tiêu hóa thấp nặng, kéo dài do bệnh lý túi thừa hoặc giãn mạch: Nội soi bằng kẹp clips, cầm máu bằng nhiệt, đốt điện hoặc tiêm epinephrine pha loãng để cầm máu. Nếu có Polyp thì có thể được cắt bỏ polyp.
  • Phẫu thuật cắt một phần đại tràng có thể được áp dụng tuỳ trường hợp.
  • Xuất huyết do trĩ nội cấp hoặc mạn tính: Có thể áp dụng phương pháp soi hậu môn để phẫu thuật hoặc thắt dây cao su, tiêm xơ cầm máu.
  • Để bảo vệ đường tiêu hóa trên khỏi nguy cơ chảy máu, mỗi người cần lưu ý các khuyến cáo sau:

– Tránh sử dụng các loại thực phẩm có hại cho dạ dày như: đồ ăn cay nóng, thức ăn chế biến sẵn, đồ chiên rán,… Cần chú ý ăn uống hợp vệ sinh để ngăn ngừa lây nhiễm vi khuẩn HP dạ dày.

– Hạn chế tối đa đồ uống có cồn (rượu, bia) và các chất kích thích như thuốc lá,…

– Xây dựng chế độ dinh dưỡng đầy đủ, bổ sung chất xơ cần thiết từ các loại rau xanh, hoa quả.

– Tránh các thói quen xấu gây hại cho tiêu hóa: thức khuya, ăn khuya, ăn quá no hoặc nhịn đói quá lâu,…

– Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng cách luyện tập thể dục, thể thao điều độ.

– Trong trường hợp cần sử dụng aspirin hay các thuốc kháng viêm, giảm đau, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng thêm các thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày, tránh tình trạng viêm loét.

– Chủ động thực hiện thăm khám tiêu hóa định kỳ, nhất là những người có tiền sử mắc các bệnh lý tiêu hóa.